Những sai lầm của cha mẹ thường gặp sẽ ảnh hưởng lên trẻ ngay cả khi chúng trưởng thành và nói chung là để lại những vết thương không sửa chữa được. Vậy những sai lầm của cha mẹ nào là phổ biến và nghiêm trọng nhất?
Chúng ta chọn bạn cho con
Chuyện không phải là hiếm: chúng ta yêu cầu con cái chơi với con của bạn thân chúng ta, với những đứa trẻ từ các gia đình đàng hoàng…. Nhưng giữa những đứa trẻ thường có cách tự xây dựng các mối quan hệ riêng. Nếu con bạn miễn cưỡng nói chuyện với người bạn mới, hay thậm chí nói thẳng với bạn rằng không muốn kết bạn với Mai hay Hùng, chúng thường có mâu thuẫn với những đứa trẻ khác, khóc lóc sau khi chơi với bạn… thì bạn đừng bắt chúng phải kết bạn…
Tất nhiên, bạn có thể đóng vai trò sứ giả hòa bình và tìm hiểu xem vì sao bọn trẻ lại xích mích với nhau. Nhưng hãy nhớ rằng tình bạn cũng như tình yêu không thể cưỡng ép được…
Đứa trẻ bị ép buộc phải kết bạn với ai đó mà nó không muốn thường có cảm giác không thích thú và lo sợ trước những tình huống mâu thuẫn. Và bạn không thể nói trước được chuyện đó sẽ dẫn tới điều gì. Một vài bậc phụ huynh cấm con mình chơi với những đứa trẻ cùng lứa tuổi sinh ra từ các gia đình nghèo hay ít học vì lo ngại những đứa trẻ đó có thể ảnh hưởng xấu đến con mình. Thế nhưng đôi khi con bạn và những bạn bè như thế lại bổ sung cho nhau. Và cũng có khi là chính con bạn ảnh hưởng lên những đứa trẻ “xấu”.
Ảnh minh họa.
Bạn chỉ nên lo lắng trong trường hợp bạn của con bạn thực sự có biểu hiện đáng lo ngại như ăn cắp, uống rượu, chửi thề trước mặt người lớn hoặc lôi kéo con bạn trong việc thử nghiệm sex…
Nhưng dù vậy đi nữa, nếu bạn tuyên bố thẳng tuột: mẹ cấm con chơi với nó thì có khả năng con bạn sẽ thấy muốn biết người bạn đó nhiều hơn bởi trái cấm bao giờ cũng là trái ngon. Tốt hơn hết là bạn hãy làm sao để chúng có ít thời gian giao lưu với người bạn đó. Thí dụ đổi trường cho con, cho cháu tham gia các nhóm, hội nào đó, tìm giúp cho con một nhóm bạn nào hợp với bé.
Trong một vài trường hợp, mối nguy hiểm có khi chỉ là tưởng tượng. Hãy thử quan sát kỹ đứa trẻ. Biết đâu nó có nhiều phẩm chất mà bạn không nhận ra và khi giao tiếp, nó mang đến điều tốt cho con bạn.
Bỏ qua các mâu thuẫn của con với bạn bè
Chúng ta thường hay coi thường, bỏ qua những mâu thuẫn của trẻ em với nhau, cho rằng đó là chuyện trẻ con. Những đứa trẻ bị bắt nạt ở trường học hay trong nhóm bạn cùng tuổi khi lớn lên sẽ hoặc rất nhu nhược, hoặc rất hung hăng. Và từ đó chúng khó xây dựng những mối quan hệ bình thường với mọi người.
Ảnh minh họa.
Nếu con bạn than phiền rằng chúng bị trêu chọc ở trường, đừng vội vàng phẩy tay. Hãy cố gắng tìm hiểu bản chất của mâu thuẫn và tìm cách giải quyết tình huống. Có thể nghĩ ra điều gì đó giúp thay đổi hình ảnh của con bạn trong mắt những đứa trẻ kia. Nếu con bạn là con gái, hãy giúp con thay đổi vẻ bên ngoài, con trai thì ghi tên vào các lớp thể thao, để từ từ nó có thể tự bảo vệ mình… bạn không nên than phiền với bố mẹ những đứa trẻ bắt nạt hay tự mình xử lý vấn đề với những đứa trẻ đó. Những vết hằn sẽ còn sâu hơn…
Chúng ta thường mắng khi con nhận điểm xấu
Bạn rất muốn được hãnh diện vì con, thế nhưng ai cũng có khi thất bại hoặc sai lầm. Bạn không nên nói với con rằng bạn không thể yêu nó nếu như nó bị điểm 2. Bạn có thể hứa thưởng quà cho con, đồ chơi, một chuyến tham quan… khi con học giỏi, nhưng không phải là ngược lại khi con không đáp ứng được điều bạn mong mỏi thì bạn làm lớn chuyện, không cho trẻ nghỉ ngơi vào kỳ lễ, bắt trẻ học suốt mùa hè…
Ngay cả khi con bạn thi rớt thì đó cũng không phải là ngày tận thế. Điểm số kết quả học tập cao chưa chắc đã là dự báo về thành công khi trẻ lớn… Hãy giải thích cho trẻ biết rằng bạn luôn yêu con, nhưng nếu con chuẩn bị tốt hơn thì bài kiểm lần sau sẽ khá hơn và bạn sẽ vui hơn nhiều…
Ảnh minh họa.
Theo số liệu thống kê, đại đa số các trường hợp trẻ tự tử xuất phát từ chuyện nhận điểm thấp hay các vấn đề đối với người dạy dỗ, bạn bè đồng trang lứa. Đừng để con phải đơn độc đối mặt với những vấn đề của mình. Hãy cố gắng lắng nghe và hiểu con, khi đó, những bi kịch đau lòng sẽ không xảy ra.