Theo các nhà tâm lý học, quá trình chia sẻ lẫn nhau với thái độ đúng đắn lành mạnh của trẻ con không chỉ đơn giản là nhường nhịn hay chiếm hữu. “Tranh” và “nhường” chính xác bao gồm cả ba đặc trưng: biết tôn trọng nguyên vọng của bản thân, hiểu được nhu cầu của đối phương và tìm được phương án giải quyết để đạt được sự thỏa hiệp hài hòa bình đẳng.
Trong quá trình giao lưu, trẻ không lấy hành động ức chế nhu cầu của mình làm cái giá. “Tranh” giữa trẻ với những người bạn ở đây là giữ cho nguyện vọng của bản thân được sự tôn trọng từ đối phương. Sau đó, trẻ cũng biết cảm nhận được tâm trạng của đối phương, sẵn sàng cho đi một sự thỏa hiệp nhất định, “nhường” một chút lợi ích cá nhân của mình, để hai bên đều đạt được sự hài lòng tương đối. Quá trình “tranh” và “nhường” này đều xuất phát tự nội tâm ở các bé. Nếu chỉ vì để được khen hay trốn tránh mà giả vờ nhường nhịn, không có được niềm vui chia sẻ thật sự, thì tâm lý trẻ có thể sinh ra những ảnh hưởng tiêu cực trong các mối quan hệ.
Nghệ thuật dạy con biết “tranh” và “nhường”
* Cho trẻ bộc lộ và biểu đạt cảm nhận từ nội tâm: Khi tâm tư và hệ thống cảm giác còn chưa thật sự trưởng thành, không có kinh nghiệm nào quý hơn là để trẻ được trải nghiệm cảm giác nội tại và nói ra tình cảm thật sự của mình. Lúc này, điều bạn cần làm là cho con tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Trong quá trình giao lưu ấy, hãy để trẻ thể hiện cảm nhận thật sự của mình. Đây là nguồn “dinh dưỡng” cần thiết cho sự trưởng thành về tâm lý ở trẻ.
Ví dụ: Khi trẻ xảy ra tranh chấp với bạn, khoan hãy bảo con mà hãy quan sát xem trẻ tự xử lý thế nào. Qua đó, bạn có thể nắm bắt được cá tính, thế giới nội tâm, nguyên vọng và cả những hoài nghi của con. Hãy nhớ rằng, khi tranh đồ chơi với bạn thì bản thân món đồ chơi ấy thật ra không quan trọng. Điều trẻ cần chính là được biểu đạt nội tâm của mình với người khác.
* Thúc đẩy trẻ suy nghĩ, phán đoán xem nên nhượng bộ hay không: Khi có mặt trong cuộc vui chơi của các bé, nếu xảy ra tình huống tranh giành, bạn có thể cùng “thảo luận” với trẻ xem việc này có nên nhường hay không và tại sao cần như vậy? Nếu không nên thì tại sao? Lúc trao đổi, cố gắng dẫn dắt trẻ nhìn nhận đúng sự việc và xây dựng được tiêu chuẩn về đúng – sai, hợp lý – vô lý.
Tư duy của trẻ vẫn nằm ở mức độ “xem mình là trung tâm”, trẻ thường ít khi quan tâm đến cảm nhận và nhu cầu của người khác. Lúc này, nếu người lớn dùng áp lực ngoại tại ép trẻ nhượng bộ, rất có thể sẽ đi ngược lại với nguyện vọng của trẻ. Nếu thường xuyên như thế, sẽ khiến trẻ không còn dám biểu đạt cảm xúc của mình, thậm chí còn để lại “bóng đen” trong tâm hồn. Sau khi trưởng thành, trẻ dễ rơi vào trạng thái khép kín, sợ sệt, không dám bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Vì vậy, bạn nên tạo điều kiện cho con dần thể nghiệm được tính tất yếu trong việc chia sẻ quyền lợi và nghĩa vụ giữa các mối quan hệ với nhau. Có thể thông qua những câu chuyện kể hoặc từ những lần giải quyết mâu thuẫn thực tế, để dẫn dắt trẻ biết nhường nhịn và biết “đấu tranh” một cách chính đáng.
* Khích lệ trẻ xây dựng những quy tắc từ trong hoàn cảnh nhất định: Giữa các bé luôn cần có sự bình đẳng với nhau, nên bạn hãy khuyến khích trẻ tìm ra cho mình những quy tắc đúng đắn ngay trong những trò chơi hay trong môi trường giao tiếp.
Ví dụ: Khi chơi trò bán hàng, bạn hãy hướng dẫn trẻ những thói quen tốt như biết xếp hàng, rửa tay trước khi ăn, không gian lận với người khác, biết lên tiếng khi đối phương có hành vi không đúng đắn v.v… Những thói quen tốt này nếu được rèn ngay từ những lần vui chơi với bạn bè cùng trang lứa, sẽ trở thành những quy tắc sống chuẩn mực cho trẻ sau này.
* Dạy con gặp chuyện gì cũng biết thương lượng, thỏa hiệp trước khi áp đặt: Trẻ con chơi với nhau khó tránh khỏi tranh chấp, điều then chốt là bạn dạy con làm sao giải quyết thích đáng. Trước hết, cần giáo dục trẻ biết thương lượng với đối phương. Chẳng hạn, một món đồ chơi thì có thể chia nhau bạn này chơi một lúc rồi đến bạn kia. Kiểu giải quyết mang tính công bằng và thỏa hiệp này sẽ giúp trẻ học được cách kiềm chế thái độ, sẵn sàng hợp tác và chia sẻ với người khác, nhằm tránh việc “tranh” vì lợi ích cá nhân mà xảy ra mâu thuẫn lớn hơn.
* Hãy tin tưởng năng lực của con: Người lớn thường lo lắng quá nhiều, như sợ con bị bắt nạt, sợ con phạm lỗi v.v… Vì vậy, không ít người dành thời gian ở bên cạnh con để đưa ra quyết định thay trẻ. Thực tế, lo lắng là một sức mạnh đặc biệt. Khi càng lo lắng một tình huống nào đó sẽ xảy ra, thì bạn sẽ vô tình cường điệu sự tồn tại của nó và chuyện đó càng có nguy cơ xảy ra thật hơn. Mỗi đứa trẻ đều là một sinh mệnh tự tại và có năng lượng sống riêng của mình. Do vậy, bạn nên dành cho con sự tin tưởng nhất định, cho trẻ có cơ hội “va chạm”, “trải nghiệm”, thậm chí là “vấp ngã” hay “thua lỗ” trong cuộc sống. Đó mới là sự tôi luyện tốt nhất cho sự trưởng thành về sau của trẻ.
Các bạn đang truy cập vào blog cá nhân của Thành Bùi, blog nhằm lưu trữ hay chia sẻ các kiến thức phần mềm, game, đồ họa...là nơi lưu trữ các bản chuẩn nhất!