Canh tôm riu nấu với mồng tơi ăn vừa mát vừa có vị ngọt ngậy của tôm hòa với vị ngăm ngăm đắng của mồng tơi dại.
Mấy hôm nay trời trở nóng, mang theo những tia nắng chói chang, thi thoảng xuất hiện vài cơn mưa rào về đêm như báo hiệu một mùa hè sắp sang. Tôi chạnh lòng nhớ đến bố mẹ nơi triền đê ven làng, cạnh con sông Hồng bên lở bên bồi. Nhớ lắm những cơn mưa đầu hè, nhớ những ngày bố đơm tôm tép trên sông và nhớ cả bát canh tôm riu nấu với mồng tơi những buổi trưa hè mẹ nấu… Nhớ lắm!
Từ nhà tôi ra đến sông phải ngang qua một con đê. Con đê xưa kia được người dân quê tôi đào đất đắp nên, những thửa đất được đào sâu tạo thành ao vườn. Thế nên những gia đình cạnh sông như nhà tôi đều có nhiều ao lắm. Mỗi khi trái trời, thời tiết thay đổi, vào buổi sáng tinh mơ, từng đàn cá tôm trong ao nhà cứ ngớp miệng trên mặt nước. Giống như một sự báo trước, bố tôi lại mang “đụt” đi bắt tôm tép trên dòng sông đỏ quạch phù sa.
Trên sông, những đàn tôm tép ngoi lên mặt nước, những con tôm trong veo bơi thoăn thoắt hòa vào làn nước. Tôm tép không bơi giữa dòng mà chúng dạt vào hai bên bờ của con sông. Lạ thay, chẳng hề giống tôm nuôi trong ao hay tôm ngoài đồng luôn bơi theo dòng nước. Tôm tép trên sông lại cứ hướng ngược dòng nước mà bơi. Như nắm bắt được quy luật, bố tôi cầm đụt đặt cửa miệng xuôi theo dòng nước. Những chiếc đụt được đặt xuống nước và được gài chặt bởi ba thanh tre, hai thanh tre gài hai bên và một thanh tre được gài ở phía đuôi cái đụt, giúp cho đụt không bị di chuyển theo dòng nước và tôm tép dễ mắc vào đụt hơn.
Bát canh tôm riu nấu rau mồng tơi (ảnh PTHL)
Vào những ngày trái trời ấy, bố tôi đơm được nhiều tôm tép lắm, có bữa đơm được hàng ký liền. Mẹ tôi lại có dịp lựa những con tôm to, càng xanh mang ra chợ bán, còn những con tôm nhỏ, tôm riu mẹ để lại nấu canh cho bố con tôi ăn. Có lẽ cũng vì thế, món canh mà bố con tôi thích nhất vẫn là tôm riu nấu với mồng tơi.
Để nấu được món canh tôm riu với mồng tơi, mẹ tôi thường ra vườn hái những lá non, ngọn non của mồng tơi dại có thân và lá màu hơi tía khác hẳn với giống mồng tơi được bán ở nơi thị thành, mang về rửa sạch để cho ráo nước rồi thái nhỏ. Còn tôm riu được mẹ cho vào một cái rá tre rửa và đãi sạch bùn cát, để cho tôm ráo nước. Sau đó mẹ cho hết tôm riu vào cái cối giã thật nhỏ, mịn và nhuyễn, thêm một chút nước vào cối hòa tan với thịt tôm rồi lọc bằng một miếng vải, cứ giã và lọc đi lọc lại hai đến ba lần là đã có nước thịt của tôm riu.
Để cho món canh được thơm ngon hơn, mẹ tôi lại bóc thêm vài củ hành tím rồi đập dập, băm nhỏ. Khi bắt đầu nấu mẹ dùng một cái nồi lớn cho hành vào phi thơm, tiếp đó đổ nước thịt tôm vào và đun nhỏ lửa vì nếu đun to sẽ rất dễ bị trào thịt tôm ra ngoài mà thịt không đông lại được. Đun đến khi nào thịt tôm đông lại với nhau thì vớt thịt ra một cái bát và cho rau mồng tơi vào nấu, khi mồng tơi gần chín thì cho thịt tôm đã vớt vào nấu chung, rồi nêm thêm một chút muối, một chút mắm cho đậm đà là hoàn thành món ăn.
Canh tôm riu nấu với mồng tơi ăn vừa mát vừa có vị ngọt ngậy của tôm hòa với vị ngăm ngăm đắng của mồng tơi dại. Cứ mỗi khi nhớ lại hương vị ấy, bao nhiêu ký ức thời thơ dại của tôi lại như được ùa về. Thương sao món ăn của tuổi thơ, thương sao bố mẹ tuổi xế chiều nơi quê nhà!